-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Lương Mạnh Chinh
30/04/2018
Bức hoạ cuộc tử đạo của Thánh Thanh, Thánh Hiếu, và Thánh Khoan
Thứ hai - 30/04/2018 08:12
Bức hoạ cuộc tử đạo của thầy Gioan Baotixita Đinh Văn Thanh, thầy Phêrô Nguyễn Văn Hiếu và cha Phaolô Phạm Khắc Khoan, ngày 28-04-1840 tại Ninh Bình
Bức họa cao 1,470 m, rộng 0,797 m, được vẽ trên giấy bồi trên vải mỏng và được vẽ theo luật đồng hiện. Nét vẽ trong bức họa này khá sắc sảo và có nhiều điểm tương đồng về cách sử dụng mầu sắc, bố cục, hình họa so với bức vẽ cuộc tử đạo của cha Phêrô Lê Tùy. Chúng tôi tạm chia bố cục bức hoạ làm ba phần: giải ra pháp trường – cuộc hành quyết – mai táng.
Giải ra pháp trường: Phía trên cùng của bức họa là cảnh đoàn quân áp giải cha Phaolô Phạm Khắc Khoan, thầy Phêrô Nguyễn Văn Hiếu và thầy Gioan Baotixita Đinh Văn Thanh ra pháp trường. Đoàn quân vác giáo, hoặc gươm tuốt trần trên vai. Trong số ba vị chứng nhân của Chúa, cha Khoan đi đầu (Cuốn sđd, trang 259 thuật lại rằng trên đường ra pháp trường, cha Phaolô Phạm Khắc Khoan và hai thầy giảng đã cao giọng hát bài Te Deum et Benedicamus Domino), sau đó là thầy Hiếu và sau cùng là thầy Thanh. Phía trước mỗi vị đều có một tên lính vác một phiến gỗ sơn vôi và ghi bản án.
Cuộc hành quyết: Cảnh hành quyết ở phần trung tâm và chiếm gần trọn bức họa với rất nhiều chi tiết thú vị.
Giống như ở hầu hết các bức họa tả cảnh hành quyết khác, một đội quân cầm giáo đứng vây quanh pháp trường, viên quan giám trảm mặc áo xanh cưỡi ngựa (Cuốn sđd, trang 260-261 cho biết rằng vì có thiện cảm với ba vị tử đạo, các viên quan đã khá dễ dãi và để mặc cho các tín hữu lấy xác và thu nhặt các thánh tích tại pháp trường), dân chúng tới xem khá đông, với y phục và tư thế đa dạng.
Ở trung tâm của bức họa, ba vị quì trên chiếu điều, các phiến gỗ ghi bản án cắm ngay bên nơi xử.
Đầu cha Khoan đã bị chém lìa khỏi cổ (Cuốn sđd, trang 260 cho biết rằng đầu cha Khoan lìa khỏi cổ sau ba nhát chém. Thầy Hiếu đã phải chịu khá nhiều nhát chém. Còn thầy Thanh, chỉ sau một nhát chém, hầu như đầu thầy đã lìa khỏi cổ), viên trưởng toán đao phủ cầm chiếc đầu giơ lên cao. Tên đao phủ đã chém đầu cha Khoan dùng thanh gươm còn vấy máu cắt vào chân hắn (Cuốn sđd, trang 8 nói rằng tên đao phủ đã làm thế vì hắn ta tin rằng nhờ trộn lẫn máu của cha Khoan với máu hắn, hắn sẽ nhận được sự can đảm và gan dạ của ngài).
Gần đó, tên đao phủ vẫn đang tiếp tục giơ gươm chém xuống cổ thầy Hiếu.
Tên đao phủ thứ ba đang dùng gươm cứa cổ thầy Thanh, vì đầu thầy hầu như đã lìa cổ sau một nhát chém.
Cạnh nơi hành quyết, xiềng và gông cùng với kìm và búa phá gông xiềng vẫn còn nằm rải rác đây đó.
Bên trong vòng vây quân lính, liền bên xác cha Khoan, hai người đàn ông đang ngồi để chuẩn bị đem xác thánh nhân đi.
Xa hơn một chút, một người đàn bà ngồi ngay dưới chân viên quan đánh chiêng. Bà ta đã dọn sẵn một bình rượu và cơi trầu để trong thúng, dùng làm lễ vật xin quan giám trảm cho lấy xác các vị tử đạo.
Ở ngoài vòng quân lính, chếch về phía dưới, góc trái, hai người đàn bà đang ngồi cạnh chiếc thúng với những xấp vải dùng để tẩm liệm xác các vị tử đạo.
Gần chỗ hai bà là một đoàn bốn người hành khất áo quần rách rưới.
Mai táng:
Bức họa không tả rõ công việc mai táng, nhưng ở phía dưới có hình vẽ một ngôi làng, đó là làng Yên Mối (Làng Yên Mối xưa nay là giáo xứ Gia Lạc, giáo phận Phát Diệm), nơi chôn cất xác thầy Phêrô Nguyễn Văn Hiếu.
Chếch về góc phải, phía dưới bức họa, một người đàn ông đang vác phiến gỗ ghi bản án. Cạnh ông ta là mấy người đàn ông đang khiêng một chiếc cáng. Những người này đang đưa xác cha Phaolô Phạm Khắc Khoan về mai táng tại giáo xứ Phúc Nhạc (Cha Phaolô Phạm Khắc Khoan là cha xứ Phúc Nhạc khi bị bắt tại họ Đông Biên cũng thuộc giáo xứ này. Xứ Phúc Nhạc cũng là nơi từng an táng rất nhiều vị tử đạo).
Viết bình luận của bạn