Đức Phanxicô công nhận các tín hữu công giáo chui “đau khổ” vì bản thỏa hiệp với Trung quốc

Lương Mạnh Chinh 03/10/2018

Đức Phanxicô công nhận các tín hữu công giáo chui “đau khổ” vì bản thỏa hiệp với Trung quốc

Thứ năm - 27/09/2018 15:26

Trên chuyến bay từ các nước vùng biển Baltic về Rôma, Đức Phanxicô nhật hết trách nhiệm của mình trong bản thỏa hiệp Vatican ký với Trung quốc và xác nhận ngài sẽ đề cử các giám mục tương lai ở đây.

Đức Phanxicô công nhận các tín hữu công giáo chui “đau khổ” vì bản thỏa hiệp với Trung quốc
Đức Phanxicô công nhận các tín hữu công giáo chui “đau khổ” vì bản thỏa hiệp với Trung quốc

lefigaro.fr, Jean-Marie Guénois, 2018-09-26

Chiều thứ ba 25 tháng 9, nhiều lần Đức Phanxicô đã cương quyết không trả lời các câu hỏi của nhà báo “không liên quan đến chuyến đi.” Ngài muốn chủ động thời khắc của mình để tránh các câu hỏi bẫy. Và tu sĩ Dòng Tên đã khéo léo làm được điều này, khi vào lúc do ngài quyết định, ngài đã chủ động đề cập đến các vụ tai tiếng tình dục trong Giáo hội và bản thỏa hiệp với Trung quốc, hai hồ sơ cháy bỏng trên đầu môi của các ký giả.

Về Trung quốc, trả lời cho cáo buộc của Hồng y Trần Nhật Quân cho rằng Vatican “đã bán Giáo hội Trung quốc cho chính quyền cộng sản” vì đã ký thỏa hiệp để cùng đề cử chung việc phong giám mục với chính quyền Trung quốc: “Khi chúng ta làm một thỏa thuận hòa bình hay một thương thuyết thì cả hai bên đều mất một cái gì. Đó là quy luật. Nhưng chúng ta đi tới đàng trước.” Sau đó Đức Phanxicô thổ lộ: “Tôi nghĩ đến sự kháng cự, đến các người công giáo đau khổ. Và đúng vậy. Họ sẽ đau khổ. Khi nào cũng có đau khổ khi thỏa thuận một bản thỏa hiệp. Nhưng họ có một đức tin sâu đậm. Và họ gởi cho chúng ta các sứ điệp để nói với chúng ta, những gì Tòa Thánh nói, những gì Thánh Phêrô nói là Chúa Giêsu nói. Đức tin của các tín hữu Trung quốc là đức tin của các vị tử đạo. Họ là những người cao cả.” Ngài mời gọi “cầu nguyện cho nỗi đau của những người không hiểu, cho những người bao nhiêu năm tháng sống chui đã đè nặng trên đôi vai”. Giáo hội công giáo chui đã bị chế độ cộng sản bách hại từ bảy mươi năm nay vì… trung thành với Rôma.

Các giám mục Trung Hoa luôn được Giáo hoàng đề cử

Nhắc đến việc quyết định công nhận bảy giám mục yêu nước của mình – những giám mục do chính quyền Trung quốc chọn -, Đức Phanxicô khẳng định đã nghiên cứu hồ sơ theo “từng trường hợp một.”, ngài nói: “Chính tôi trách nhiệm về chữ ký mà tôi đã ký.” Ngài còn nhấn mạnh về trách nhiệm của mình trên bản thỏa hiệp này: “Chính tôi đã ký, chính tôi là người trách nhiệm. Bản thỏa hiệp này không phải ngẫu hứng! Bản thỏa hiệp này cần cả mười mấy năm chuẩn bị”.

Điểm cuối của câu trả lời về Trung quốc, Đức Phanxicô nhấn mạnh không phải Trung quốc “sẽ đề cử các giám mục, nhưng sẽ có một cuộc đối thoại giữa hai bên về các ứng viên, sau khi đối thoại, quyền quyết định vẫn là của giáo hoàng”. Nhân tiện ngài nhắc lại lịch sử, “trong vòng 350 năm, các vua Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đã đề cử các giám mục ở Châu Mỹ La Tinh! Giáo hoàng chỉ cho quyền tài phán. Chúng ta đừng quên chuyện này!”

Đề cập đến vấn đề lạm dụng tình dục, Đức Phanxicô lặp lại, “dù chỉ một linh mục lạm dụng một bé trai hay một bé gái, đó là đã khủng khiếp, vì linh mục được Chúa chọn để đưa em bé này về với Chúa, chứ không phải để hủy hoại em bé”. Vì thế, đây là “tai tiếng của một sự thoái hóa rất quan trọng và ở khắp nơi.”

Còn ở Pennsylvania (nước Mỹ), một bản báo cáo cho biết trong vòng bảy mươi năm, có 301 linh mục công giáo lạm dụng hơn cả ngàn trẻ em, thì “con số này đã giảm kể từ khi Giáo hội ý thức phải chiến đấu một cách khác”. Nhưng ngài công nhận “trước đây, các vụ này bị che đậy. Cũng như ở trong nhà, khi có người chú hiếp cháu, người cha hiếp con mình thì gia đình che đậy, vì đây cả là một sự nhục nhã nặng nề. Nhưng đó là cách suy nghĩ của thế kỷ vừa qua.” Vì thế ngài xin “bình luận” các sự kiện này với não trạng của “thời đó” vì “bây giờ chúng ta có một ý thức khác” và “ý thức về đạo đức ngày càng lớn”.

Ngài bảo đảm, “từ khi Giáo hội ý thức những chuyện này thì Giáo hội đã làm tất cả” để giải quyết. Đức Phanxicô cũng bảo đảm – như giáo luật cho phép ngài làm mọi khả thể -, nhưng ngài “chưa bao giờ ký đơn xin ân xá cho một linh mục bị lên án trong các tội này”.

Share :

Viết bình luận của bạn